Ngày 22/9/2018 Viện Kỹ thuật Biển tổ chức Hội thảo khoa học nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Kỹ thuật Biển (18/9/2008-18/9/2018).
Tham dự buổi Hội thảo:
Về phía Bộ NN&PTNN có Bà Lý Mộng Xuân - UV Ban thường vụ, Chủ tịch Công đoàn Khối Cơ sở Bộ NN & PTNT; Ông Lê Viết Bình - Trưởng đại diện Văn Phòng Bộ NN&PTNT tại Tp. HCM; Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi.
Về phía Bộ KH&CN có Ông Lê Quang Thành - Vụ trưởng Vụ KHXH Nhân Văn & Tự nhiên; Ông Nguyễn Thiện Thành - Giám đốc Văn phòng Các chương trình trọng điển cấp Nhà nước.
Về phía cơ quan cấp trên có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt – Bí thư Đảng ủy – Giám đốc Viện KHTL Việt Nam và các đ/c trong BGĐ Viện, cùng lãnh đạo 3 Ban chức năng. Lãnh đạo các Viện, Trường, các đơn vị đã hợp tác với Viện trong suốt thời gian qua. Lãnh đạo của Sở, Ban, Ngành các địa phương tỉnh Bình Phước; Đồng Nai; Bà Rịa Vũng Tàu; Thành Phố Hồ Chí Minh; Tiền Giang; Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau. Ngoài ra còn có các đồng chí nguyên lãnh đạo Viện KHTL miền Nam, Viện Kỹ thuật Biển qua các thời kỳ và các Nhà khoa học đã giúp đỡ, cộng tác với Viện trong suốt thời gian qua. Về phía Viện Kỹ thuật Biển có Ông Phạm Văn Tùng: Bí thư Đảng ủy – Phó Viện trưởng Phụ trách Viện và các đồng chí trong Đảng ủy, Ban lãnh đạo Viện, cùng toàn thể cán bộ, viên chức và NLĐ.
Tại buổi hội thảo đã có 04 báo cáo được trình bày. Dưới đây là toàn văn bài báo cáo “Tổng kết 10 năm Hoạt động KHCN Viện Kỹ thuật Biển từ (2008-2018)” do Ông. Phạm Văn Tùng - Phó Viện Trưởng Phụ trách Viện trình bày.
Việt Nam có vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền; có bờ biển dài trên 3.260 km từ Quảng Ninh tới Kiên Giang là điều kiệt rất thuận lợi cho phát triển kinh tế biển. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biển có vai trò, vị trí rất quan trọng, gắn bó mật thiết và ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của nước ta.
Theo định hướng chung trong Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 của Ban chấp hành Trung ương đảng về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” là đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu mạnh. Trong đó phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển; có thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước.
Viện Kỹ thuật Biển là Viện thành viên của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, được thành lập ngày 18/9/2008 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 06/11/2008 (theo QĐ số 2863/QĐ-BNN-TCCB của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT). Viện có chức năng nghiên cứu khoa học, tham gia đào tạo và hợp tác quốc tế, tư vấn và chuyển giao công nghệ về kỹ thuật biển, môi trường vùng ven biển, cửa sông và hải đảo trong phạm vi cả nước.
Qua thực tiễn hoạt động khoa học công nghệ của Viện Kỹ thuật Biển từ ngày thành lập đến nay, cùng với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế đối với hoạt động của Viện, bao gồm các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Viện, kết quả đã thu được những thành công đáng khích lệ.
VƯỢT LÊN KHÓ KHĂN
Khoa học và Công nghệ nghiên cứu biển là một lĩnh vực rộng lớn và phức tạp, đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng cao, hệ thống trang thiết bị phục vụ nghiên cứu nhiều, hiện đại và đắt tiền. Trong khi Viện Kỹ thuật Biển là đơn vị còn non trẻ, ngày đầu thành lập Viện với lực lượng cán bộ khoa học là 19 người. Trải qua 10 năm hình thành và phát triển với 3 nhiệm kỳ lãnh đạo Viện, vượt qua mọi khó khăn thử thách ban đầu đến nay lực lượng cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện là gần 60 người với 17 suất lương biên chế, cơ sở vật chất và trang thiết bị của Viện đã được đầu tư, có thể đáp ứng được cơ bản các nhiệm vụ trước mắt, nhưng về lâu dài còn nhiều hạn chế, chưa thực sự tương xứng với kế hoạch nghiên cứu, định hướng phát triển khoa học và kinh tế biển theo như trọng tâm chỉ thị Nghị quyết số 09-NQ/TW.
Để giải được bài toán khó là duy trì phát triển Viện bền vững theo định hướng tái cơ cấu của ngành Nông nghiệp trong cơ chế thị trường và hội nhập, Viện Kỹ thuật Biển đã tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao công nghệ từng giai đoạn 5 năm, 2008 – 2015 và 2013 – 2018, cho các lĩnh vực mũi nhọn của Viện: (i) Môi trường biển và biến đổi Khí hậu; (ii) Hải dương học và thủy văn, thủy lực; (iii) Khai thác tài nguyên biển và đới bờ; và (iv) Công nghệ và công trình biển.
Mỗi lĩnh vực mũi nhọn sẽ tập trung xây dựng kế hoạch nghiên cứu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về định hướng khoa học và công nghệ, tư vấn và chuyển giao công nghệ các kết quả nghiên cứu, sáng tiến cải tiến kỹ thuật và vật liệu mới phục vụ cho tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phòng chống thiên tai.
NHỮNG THÀNH QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Từ khi thành lập cho đến nay, Viện Kỹ thuật Biển đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, các chỉ tiêu cơ bản được đề ra theo Nghị quyết hàng năm và định hướng dài hạn 5 năm đều đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Kết quả nghiên cứu Khoa học và chuyển giao công nghệ:
Thực tiễn hoạt động của Viện KTB từ ngày thành lập đến nay cùng với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế đối với các lĩnh vực hoạt động của Viện bao gồm các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về khai thác tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu hải dương học, nghiên cứu công trình biển, nghiên cứu dự báo thủy triều, sóng thần, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển và phát triển ngư trường gần bờ cũng như xa bờ. Viện Kỹ thuật Biển đã xây dựng chiến lược hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với hình thức khoán sản phẩm, giám sát chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 2015 nhằm từng bước nâng cao giá trị thương hiệu Viện phù hợp với chuẩn quốc tế cũng như chất lượng đội ngũ khoa học được nâng cao.
Sau 10 năm xây dựng và phát triển, Viện Kỹ thuật Biển đã từng bước có nhiều đóng góp trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới về nuôi trồng thủy hải sản; khai thác tài nguyên, khoáng sản biển; bảo tồn tài nguyên biển; bảo vệ môi trường biển; bảo vệ bờ và các công trình ven bờ khu vực miền Trung, Nam trung Bộ, Đông Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Viện đã chủ trì thực hiện 09 đề tài khoa học cấp quốc gia, 17 đề tài/nhiệm vụ khoa học cấp Bộ, 22 đề tài cấp Tỉnh/Thành phố và hàng trăm dự án tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ đã được Viện triển khai thực hiện trong 10 năm qua. Năm 2018 Viện đang chủ trì thực hiện 03 đề tài cấp Nhà nước; 05 nhiệm vụ thường xuyên cấp Bộ về giám sát, dự báo CLN cho vùng ĐBSCL; 02 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng; 03 đề tài cấp Tỉnh và các hoạt động dịch vụ theo chức năng và quyền hạn của mình.
Hiện nay, các cán bộ khoa học trẻ của Viện đã từng bước trưởng thành nối tiếp các thế hệ đi trước, đội ngũ khoa học với 3 Phó giáo sư, tiến sĩ, nghiên cứu viên cao cấp; 6 nghiên cứu viên chính; 3 tiến sĩ, 5 nghiên cứu sinh, 23 thạc sĩ và nhiều kỹ sư/cử nhân khác. Hàng trăm bài báo nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về các lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu, chuyên ngành của các cán bộ khoa học trong Viện đã được đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong và ngoài nước.
Viện đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 02 Bằng độc quyền sáng chế (i) Mảng bê tông liên kết gài tự chèn ba chiều lắp ghép dùng cho các công trình xây dựng, đã có phát huy tác dung trong bảo vệ bờ sông và bờ biển, số 7775 theo quyết định số 12103/QĐ-SHTT ngày 16 tháng 6 năm 2009; và (ii) Cấu kiện bê tông đúc sẵn tạo mảng mềm tự chèn 3 chiều có khả năng ngàm khóa biên, số 18983 theo quyết định số 21487/QĐ-SHTT ngày 04 tháng 4 năm 2018.
Một số kết quả chuyển giao công nghệ của Viện đã được triển khai ứng dụng thực tế cho hiệu quả cao ở vùng ĐBSCL và các vùng khác: (i) Giải pháp công nghệ kè giảm sóng gây bồi bảo vệ bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long (Theo Quyết định 01/QĐ-BNN-HĐSK ngày 11/5/2016 của Bộ NN&PTNT); (ii) Cải tiến, thiết kế hệ thống thu, dẫn và cấp nước từ nguồn nước mạch ngầm trên núi (trong các hang động và dưới các tảng đá lăn) cho dân cư (trên đảo Hòn Tre tỉnh Kiên Giang) (Theo QĐ số 01/QĐ-BNN-HĐSK ngày 11/5/2016 của Bộ NN&PTNT); và Giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật mảng bê tông liên kết tự chèn ba chiều lắp ghép bằng bê tông đúc sẵn (Theo QĐ số 01/QĐ-BNN-HĐSK ngày 11/5/2016 của Bộ NN&PTNT).
Phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp:
Một số lĩnh vực nghiên cứu như: (i) đề tài/dự án nghiên cứu chất lượng nước và đề xuất các giải pháp cải thiện, phục vụ nuôi thủy sản vùng ven biển ĐBSCL; (ii) Giám sát, dự báo chất lượng nước hàng năm trong các hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL phục vụ sản xuất nông nghiệp; và (iii) quy hoạch phân bổ tài nguyên nước nước mặt phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho một số tỉnh vùng ĐBSCL do Viện chủ trì thực hiện đã đáp ứng tốt yêu cầu cung cấp dữ liệu và những đề xuất có cơ sở khoa học cho công tác chỉ đạo sản xuất hàng năm, quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi từ mô hình lúa, thủy sản, cây ăn trái trước đây sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái và lúa hiện nay.
Các kết quả nghiên cứu đa dạng các loài cá, cỏ biển, rong biển và san hô trên một số vùng biển gần bờ và xa bờ phục vụ công tác quy hoạch chi tiết các khu bảo tồn biển đã được Viện tổ chức thực hiện tốt tại vùng biển ven bờ Hà Tiên, biển đảo Lý Sơn và biển đảo Nam Yết với kết quả được đánh giá cao và đang được các cơ quan hữu quan tiến hành triển khai thực hiện dự án.
Gắn với xây dựng nông thôn mới:
Trong những thập niên qua và đặc biệt trong 5 năm gần đây Viện đã thực hiện nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và tư vấn chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL và các hải đảo phía Nam. Đề xuất nhiều mô hình cung cấp nước sạch nông thôn có tính khả thi và được ứng dụng trên diện rộng tại đảo Hòn Tre (tỉnh Kiên Giang) và đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) kịp thời hỗ trợ người dân sống trên đảo sử dụng nguồn nước mưa, nước dưới đất tại chỗ phục vụ sinh hoạt trong thời đoạn mùa khô. Hiện nay, Viện đang chủ trì một đề tài khoa học cấp Nhà nước thuộc chương trình Nông thôn mới “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý nguồn nước và các mô hình trữ nước phục vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn các tỉnh vùng Nam trung bộ và ĐBSCL”.
Viện đã chủ động đề xuất đề tài/dự án nghiên cứu xử lý nước thải của các làng nghề, các nhà máy chế biến thủy sản vừa và nhỏ để tìm ra mô hình hợp lý xây dựng quy trình vận hành nhằm tiến tới triển khai ứng dụng ra diện rộng để hạn chế tình hình ô nhiễm khá nghiêm trọng nguồn nước mặt của các vùng nông thôn do chất thải của các làng nghề thải ra môi trường.
Gắn với công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai:
Trong 10 năm qua Viện đã thực hiện nhiều đề tài/dự án về lĩnh vực KHCN phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, đề xuất và triển khai ứng dụng nhiều mô hình bảo vệ bờ biển, bờ sông dưới dạng kè cứng, kè mềm phù hợp với từng vùng sinh thái. Kết quả ứng dụng được các địa phương đánh giá cao: Giải nhất Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh năm 2010, số 272/QĐUB ngày 02/6/2011 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh cho sáng chế Mảng bê tông liên kết gài tự chèn ba chiều lắp ghép dùng cho các công trình xây dựng, đã có phát huy tác dụng trong bảo vệ bờ sông và bờ biển.
Giải pháp công nghệ kè giảm sóng gây bồi bảo vệ bờ biển vùng ĐBSCL (Theo Quyết định 01/QĐ-BNN-HĐSK ngày 11/5/2016 của Bộ NN&PTNT).
Viện Kỹ thuật Biển đã chỉ đạo xây dựng mô hình dự báo mực nước triều hàng giờ cho 22 trạm vùng ĐBSCL được khai thác rộng rãi trên trang Web mở của Viện (www.icoe.org.vn/Bảng triều) với nguồn kinh phí tự túc của Viện để cung cấp cho người dân cũng như các cơ quan quản lý nắm thông tin kịp thời về mực nước phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và trong công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai kịp thời nhất.
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TRONG TƯƠNG LAI
Tiếp nối những hoạt động khoa học công nghệ thời gian qua, gắn chặt định hướng phát triển Viện Kỹ thuật Biển theo chức năng, nhiệm vụ đã được Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Bộ NN&PTNT giao phó với các nhiệm vụ trọng tâm: nghiên cứu khai thác tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu hải dương học, nghiên cứu công trình biển, nghiên cứu dự báo thủy triều, sóng – gió – bão, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển và phát triển ngư trường gần bờ cũng như xa bờ,…
Để thực hiện được các nhiệm vụ được giao, trước tiên cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các hoạt động giao lưu khoa học, học tập và nghiên cứu; phối hợp chắt chẽ với các chuyên gia đầu ngành, tăng cường hợp tác quốc tế về các lĩnh vực của Viện; xây dựng các kế hoạch nghiên cứu dài hạn, trung hạn và ngắn hạn; tạo cơ chế thuận lợi cho các đơn vị trong Viện cùng phát triển;… Nhưng điều quan trọng nhất là tập thể cán bộ, viên chức và người lao động của Viện phải nỗ lực sáng tạo, đoàn kết, cùng chung chí hướng xây dựng thương hiệu Viện, từng bước cùng nhau tiến ra biển lớn.
Một số hình ảnh trong buổi Hội thảo: