Thứ ba, 12-11-2024 
Menu Close Menu
Tin tức > Tin Tổng hợp
Cảnh báo lũ lớn ở miền Tây, nguy cơ ngập úng nhiều nơi trong tuần tới
TPO - Lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông về, kết hợp với triều cường, cảnh báo nguy cơ cao sẽ xảy ra ngập úng nhiều nơi ở các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào các ngày từ 18 - 22/9, đặc biệt trên địa bàn gần biển, vùng trũng thấp

Dự báo ngập úng nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long trong tuần tới do lũ thượng nguồn kết hợp mưa và triều cường. 

Bản tin đột xuất của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết, theo kết quả quan trắc của Trung tâm Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), thời tiết tuần qua trên lưu vực sông Mê Kông ảnh hưởng bởi gió mùa Tây Nam và cơn bão số 3. Hình thái thời tiết này gây mưa ở mức cao trên lưu vực sông Mê Kông, lượng mưa phổ biến từ 50 - 150mm, một số nơi ở thượng Lào trên 150mm.

Do mưa lớn ở thượng nguồn, lũ trên khu vực thượng Lào và Bắc Thái Lan có xu thế tăng rất mạnh những ngày gần đây. Mực nước tại một số trạm quan trắc vượt mức cảnh báo lũ, lũ lớn và có khả năng vượt mức lũ lớn trong các ngày tới. Lũ trên khu vực trung, hạ Lào và Campuchia đang có xu thế tăng do lũ thượng nguồn đổ về, dung tích Biển Hồ cũng tăng nhanh.

Về thuỷ triều, số liệu dự báo triều nửa cuối tháng 9/2024 của Viện Kỹ thuật biển, khu vực biển Đông triều có xu thế tăng và đạt đỉnh từ ngày 19 - 21/9, khu vực biển Tây đạt đỉnh từ từ ngày 24 - 25/9, với mức triều cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm.

Cơ quan chuyên môn dự báo, lũ đầu nguồn sông Cửu Long sẽ tăng trong 1 - 2 tuần tới do mưa lũ thượng nguồn tăng kết hợp triều cường cao (kỳ triều giữa tháng 8 âm lịch). Sông Cửu Long khả năng đạt đỉnh lũ tháng 9 vào khoảng từ ngày 19 - 22/9.

Mực nước nội đồng các trạm vùng thượng nguồn sông Cửu Long từ báo động 1- 2, một số trạm vượt báo động 2. Các trạm vùng giữa sông Cửu Long phổ biến từ báo động 2 - 3, một số trạm ven sông chính vượt báo động 3 như ở Cần Thơ, Mỹ Thuận, Cao Lãnh, Lai Vung, Vị Thanh, Phước Long.

Đỉnh lũ tại trạm Cần Thơ dự báo đạt 2,05 - 2,15m (vượt báo động 3 từ 0,05-0,15m); tại trạm Mỹ Thuận dự báo 1,95 - 2,05m (vượt báo động 3 từ 0,15-0,25m). Trong trường hợp cực đoan, thời điểm đỉnh lũ kết hợp triều cường dâng cao, xuất hiện thêm mưa to gió lớn, đỉnh lũ tại hai trạm trên có thể lên cao hơn so với dự báo từ 5 - 10cm.

Với kết quả nhận định trên, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đưa ra cảnh báo, nguy cơ cao sẽ xảy ra ngập úng do triều cường kết hợp mưa lũ trên các khu vực có địa hình thấp trũng ở Đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 18 - 22/9. Đặc biệt, ngập úng trên địa bàn vùng giữa và ven biển Đồng bằng sông Cửu Long như: Cần Thơ, Vĩnh Long, các huyện ven sông và giữa 2 sông của Đồng Tháp, TP. Vị Thanh và TP. Ngã Bảy (Hậu Giang); huyện Phước Long và Hồng Dân (Bạc Liêu); thị xã Ngã Năm và huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng); các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và TP. Cà Mau (Cà Mau)...

Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam kiến nghị, các địa phương có nguy cơ rà soát các tuyến bờ bao xung yếu, các tuyến mới đắp và xây dựng giải pháp ứng phó kịp thời. Đối với các tiểu vùng thủy lợi có đê bao thấp như Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang cần theo dõi chặt chẽ dự báo mưa và diễn biến thủy triều để có phương án vận hành tiêu thoát nước kịp thời, chuẩn bị các phương án bơm tiêu nước khi xảy ra ngập úng…

nguồn theo https://tienphong.vn/

Khánh thành hai công trình quan trọng kè Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải và kè Cồn Nhàn, huyện Duyên Hải Tỉnh Trà Vinh - Viện Kỹ thuật Biển là đơn vị thiết kế
Hướng tới chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, sáng ngày 06/10, tại ấp Chợ, xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải tổ chức lễ khánh thành hai công trình: Kè Hiệp Thạnh (thị xã Duyên Hải) và kè Cồn Nhàn (xã Đông Hải, huyện Duyên Hải).
Bê tông tự chèn cho nền đất yếu
Trong ảnh là những mảng bê tông liên kết gài tự chèn ba chiều được lắp ghép từ các tấm bê tông đúc sẵn, do ThS Nguyễn Anh Tiến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công trình biển, Viện Kỹ thuật biển, thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam tại TP.HCM nghiên cứu triển khai.